Tôi bắt đầu một ngày mới vào lúc 7h sáng. Tôi khởi đầu ngày mới bằng việc mở điện thoại lên và mở khóa điện thoại. Đập vào mắt tôi lúc này là các ứng dụng mạng xã hội kèm với biểu tượng thông báo. Vì rất tò mò về tương tác của bạn bè trên bài đăng của mình, tôi lập tức truy cập một số chúng. Sau khi xem xong các tương tác, tôi xem qua bảng tin “Dành cho bạn”. Tôi lần lượt xem và lướt qua các nội dung. Vậy mà thế đ** nào đã nửa tiếng đồng hồ trôi qua. Tôi vội vã tắt điện thoại và chuẩn bị đi làm.
Tại văn phòng, khi tới giờ nghỉ giải lao, các nội dung lúc sáng vẫn còn đọng lại trong đầu tôi. Kèm với những thông báo điện thoại, tôi lại tiếp tục mở ứng dụng mạng xã hội lên, lướt không ngừng nghỉ cho đến khi bắt đầu ca làm việc mới.
Về đến nhà sau một ngày làm việc mệt mỏi, thứ đầu tiên tôi nghĩ tới lại là chính chiếc điện thoại của mình. Lướt tóp tóp một hồi, tôi bị cuốn vào nội dung phim hồi tuổi thơ và thế là tôi vội lên Diu tuýp để cày lại. Những bộ phim hấp dẫn, những video giải trí, những giai điệu bắt tai, những vũ đạo cuốn hút. Tất cả chúng đã lấy đi của tôi hơn một tiếng đồng hồ. Sau khi tắm rủa và ăn tối, trước khi đi ngủ, tôi vẫn tiếp tục lướt điện thoại tới lúc khuya lúc nào không hay.
Nếu bạn thấy hình ảnh trên quen thuộc, thì đây chính là bài viết giành cho bạn. Còn nếu không, bạn hãy bỏ qua bài viết này bởi nó không sinh ra dành cho bạn.
Tại sao lại cần phải trở thành người tiêu thụ nội dung thông minh?
Vì đơn giản bạn sẽ không bao giờ xem hết toàn bộ nội dung trên Internet. Rất nhiều thống kê đã chỉ ra rằng, giành cả ngày không ăn, không uống chỉ để xem video thì bạn phải bỏ ra 82 năm để xem hết nội dung trong 1 ngày mà các nhà sáng tạo nội dung đăng tải lên Youtube. Đó là chưa kể các nền tảng mạng xã hội khác như TikTok, Instagram, ….
Ngay lúc bạn đang đọc bài viết này, cũng đã có 500 giờ nội dung video được tải lên Youtube. Vậy nên, cho dù bạn có ảnh phân thân chi thuật của Naruto để tạo ra 1000 ảnh phân thân, mỗi bản sao xem một nội dung khác nhau liên tục không ngừng nghỉ thì cũng không thể tiêu thụ kịp tốc độ sản xuất nội dung trên Youtube. Đấy là chưa kể càng ngày càng có nhiều nhà sáng tạo nội dung. 90% dữ liệu trên thế giới được tạo ra trong 2 năm gần nhất.
Phía TikTok cũng đưa ra thống kê trung bình 1 người dùng dành khoảng 90 phút / 1 ngày để lướt TikTok và khoảng 19 giờ một tháng. Còn theo nghiên cứu từ Rakuten Viber, người Việt Nam dành khoảng thời gian 2 giờ 32 phút mỗi ngày cho mạng xã hội và các ứng dụng nhắn tin.
Bạn có nhớ nội dung bạn xem đầu tiên khi lướt Top Top, hay video cuối cùng bạn xem ngày hôm qua trên Youtube? Nếu bạn không nhớ thì chúc mừng bạn đã để các nền tảng mạng xã hội lấy đi phần lớn thời gian quý báu của bạn. Và hãy yên tâm rằng bạn không phải là người duy nhất nghiện mạng xã hội. Rất nhiều người là 2 người khác nhau giữa ngoài đời và trên mạng xã hội, một số ít còn bị trầm cảm, xa lánh cuộc sống bên ngoài. Bản thân các mạng xã hội luôn đề xuất nội dung khiến bạn sử dụng chúng nhiều nhất có thể nhằm thu thập dữ liệu và tối ưu hóa thu nhập quảng cáo. Chúng khuyến khích người dùng lướt và lướt để thỏa mãn hormone “hạnh phúc”. Nếu không cẩn thận, bạn sẽ dành hết toàn bộ thời gian quý báu của mình chỉ để tiêu thụ nội dung không có hồi kết. Đến cuối ngày, cảm giác tội lỗi sẽ trỗi dậy bởi bạn đã phí phạm thời gian vào những thứ vô bổ.
Làm thế nào để trở thành người tiêu thụ nội dung thông minh?
Xác định kỹ mục đích khi sử dụng mạng xã hội.
Bạn sử dụng mạng xã hội để làm gì? Để giải trí, để kết nối với bạn bè, để hỗ trợ việc học hay để xây dựng thương hiệu cá nhân? Mỗi người sẽ có lý do sử dụng mạng xã hội khác nhau. Tuy nhiên, khi đã xác định được mục đích sử dụng mạng xã hội, hãy gắn chặt các hoạt động tiêu thụ nội dung của mình với mục đích đó. Nếu bạn dùng mạng xã hội để học, đừng để mạng xã hội cuốn bạn xem những nội dung khác.
Giới hạn thời gian sử dụng.
Hãy lên kế hoạch về thời gian tiêu thụ nội dung mỗi ngày của bạn và hãy giới hạn thời gian sử dụng mỗi khi bắt đầu dùng chúng. Hãy đảm bảo bạn sẽ thoát mạng xã hội khi đến giờ bất kể chuyện gì xảy ra. Quan trọng nhất, bạn cũng nên lên kế hoạch cho những hoạt động khác bên ngoài như chơi thể thao, chạy bộ, tập gym, yoga hoặc đơn giản là đi cafe giao lưu với bạn bè bên ngoài. Điều đó sẽ làm khỏa lấp đi những chỗ trống mà các content trên mạng để lại. Các hoạt động bên ngoài sẽ giúp bạn cảm thấy thoải mái, giải tỏa và loại bỏ các cảm xúc tiêu cực.
Hạn chế hoặc tắt thông báo.
Tốt nhất là hãy tắt thông báo khi bạn đang học tập và làm việc bởi thông báo nội dung của các mạng xã hội rất dễ khiến bạn sao nhãng việc chính. Tốt nhất là hãy chỉ để lại những thông báo quan trọng như thời khóa biểu, hạn deadline hay lịch gặp bạn bè. Hãy chắc chắn rằng, bạn sẽ không thấy ứng dụng trên màn hình điện thoại kèm biểu tượng thông báo. Một khi bạn thấy nó, khả năng rất cao bạn sẽ mở chúng lên và bắt đầu chuỗi hành trình chìm đắm trong những nội dung không có điểm dừng.
Hủy theo dõi hoặc ấn Không quan tâm những nội dung không phù hợp.
Các mạng xã hội đều có nút Hủy theo dõi hoặc Không quan tâm. Chúng là công cụ không thể hữu ích hơn để định hình lại nội dung bạn muốn tiêu thụ trên các nền tảng số. Hãy chỉ theo dõi những nhà sáng tạo nội dung mang lại cho bạn những content hữu ích. Hãy chỉ quan tâm tới nội dung phù hợp với mục đích ban đầu bạn đề ra khi sử dụng mạng xã hội. Hãy sử dụng các công cụ tìm kiếm của chúng để tìm kiếm những nội dung mong muốn được tiêu thụ. Hãy kết hợp với các hashtag để nhanh chóng tìm được thứ mình yêu thích. Hãy like và chia sẻ nội dung có ích cho bạn để những nội dung tương tự sẽ được đề xuất mạnh trong tương lai.
Tố cáo những nội dung không lành mạnh.
Các nội dung rác, theo sự phát triển về số lượng của nội dung, cũng không ngừng tăng lên. Chúng có thể là những nội dung công kích cá nhân, tin giả, bất chấp để câu view, câu tương tác. Thời đại bây giờ đã có quá nhiều nội dung rồi. Thế nên đừng ngần ngại tố cáo nhằm loại bỏ các nội dung tiêu cực ra khỏi các nền tảng. Cũng đừng ngần ngại chặn các tài khoản đăng tải nội dung lạm dụng nền tảng. Đó là cách tốt nhất để các nội dung rác không xuất hiện lại không chỉ với bạn mà còn với cả những người dùng khác trong tương lai.
Cam kết với chính bản thân
Nếu những cách trên không khả thi, bạn tốt nhất hãy tự đặt ra điều kiện trước khi sử dụng mạng xã hội. Chẳng hạn như phải làm xong bài tập, hoàn thành công việc hay phải chạy bộ đạt 3 km trước khi được đụng vào điện thoại. Và trên hết, phải cam kết với bản thân là sẽ không đụng vào các nền tảng mạng xã hội khi chưa hoàn thành chúng. Hoặc bạn có thể xóa hết chúng đi và tải lại khi hoàn thành.
Nốt video này thôi chính là lời hứa suông dễ gặp nhất. Nếu đã đến giờ phải rời mạng xã hội như bạn đã đề ra như ban đầu, hãy tắt chúng ngay lập tức. Bạn có thể lưu lại để lần sau coi. Tuyệt đối không tiếp tục lướt bởi bạn sẽ không biết chắc nội dung tiếp theo là gì. Khả năng cao nền tảng sẽ đề xuất nội dung mà bạn sẽ tiếp tục xem hoặc bạn sẽ lướt tiếp tới khi tìm thấy nội dung mình muốn bởi các nền tảng MXH ngày nay rất thông minh và xác định rất chính xác nhu cầu của người dùng.
Suy ngẫm sau cùng.
Các nội dung trên mạng xã hội suy cho cùng là công cụ giúp bạn giải trí sau khi học tập và làm việc căng thẳng. Chúng là công cụ phục vụ cho bạn chứ không phải sếp bạn hay bố mẹ bạn. Bạn mới là người chủ quyết định xem có nên tiêu thụ chúng hay không? Tiêu thụ bao nhiêu lần, bao nhiêu giờ mỗi lần? Vì thế, hãy đừng làm nô lệ của chúng. Đừng để các mạng xã hội vắt kiệt sức như các nhà tư bản bóc lột bạn. Bởi khi sử dụng hầu hết các mạng xã hội ngày nay, người dùng không phải trả phí. Mà khi sử dụng sản phẩm mà không phải trả phí, người dùng sẽ chính là sản phẩm. Dữ liệu của bạn sẽ chính là món hàng hóa tuyệt vời để các nền tảng sử dụng cho mục đích quảng cáo.
Để lại một bình luận